Giới thiệu nhà thờ Giáo Xứ Khoái Đồng - Nam Định

Nhà thờ Khoái Đồng là một thánh đường Công giáo phong cách Romanesque, được xây dựng bởi các cha dòng Đa Minh Tây Ban Nha và hoàn thành năm 1941. Hiện nay nhà thờ toạ lạc tại trung tâm thành phố Nam Định, ngay bên bờ hồ Vị Xuyên.

Giới thiệu nhà thờ Giáo Xứ Khoái Đồng - Nam Định

Nhà thờ Khoái Đồng (Khoai Dong Church) thời Pháp thuộc

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

           Nhà thờ Khoái Đồng tọa lạc tại số 127 Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Du, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, ngay bên bờ hồ Vị Xuyên.

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

  • Nhà thờ Khoái Đồng, theo tục truyền, còn có tên gọi là Khói Đồng, là tên của một trong 5 thôn cổ của làng Vị Hoàng xưa. Khoái Đồng là giáo xứ duy nhất của Giáo phận Bùi Chu nằm trên địa bàn thành phố Nam Định (từ khi mở rộng thành phố Nam Định, giáo xứ Phong Lộc cũng thuộc về Thành phố). Các tín hữu của giáo xứ Khoái Đồng đón nhận Tin Mừng khi các thừa sai Dòng Tên đến giảng đạo. Được sự giúp đỡ của các vị thừa sai, giáo hữu cùng nhau góp công góp của làm nhà thờ. Giáo họ Khoái Đồng được thành lập khoảng năm 1700 và được các cha Dòng Tên phục vụ. Từ năm 1759, giáo họ Khoái Đồng được trao cho các cha Dòng Đaminh coi sóc.
  • Sau thời cấm đạo, số giáo hữu ngày một đông, để có thể đáp ứng nhu cầu mục vụ, năm 1875 Đức cha Barnabas Cézon Khang nâng giáo họ Khoái Đồng lên hàng giáo xứ. Năm 1900, theo nghị quyết của Công Đồng Kẻ Sặt, giáo xứ Khoái Đồng được chọn làm trung tâm đào tạo nhân sự cho Giáo phận Đông Đàng ngoài (Giáo phận Dòng - nay là các Giáo phận Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Bùi Chu), công việc xây dựng và đào tạo được trao cho các cha Dòng Đaminh phụ trách.
  • Từ thập niên 1920, khu vực nhà thờ Khoái Đồng bắt đầu được các cha Dòng Đa Minh Tây Ban Nha kiến thiết, quy hoạch và xây dựng. Quần thể này bao gồm: Nhà thờ Khoái Đồng, Giáo hoàng Chủng viện Thánh Albertô Cả (nay là trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ), Trường Sư phạm Thánh Tôma (nay là trường THPT Nguyễn Khuyến), và một số khu vực phụ trợ xung quanh. Quần thể này có tổng diện tích khoảng 56.000m2.
  • Phần Nhà thờ Khoái Đồng, do cha Casado Thuận OP phụ trách xây cất theo kiến trúc Roman, bắt đầu được khởi công xây dựng từ năm 1934.
  • Theo Tập san "Bách Chu Niên bốn vị Chân Phước Tử Đạo Tại Hải Dương" (1861-1961), do Chân Lý xuất bản, 1961 thì: Nhà thờ Khoái Đồng, một ngôi Thánh đường đồ sộ được xây dựng ngay bên bờ hồ lớn Nam Định. Đó là nhà thờ dâng kính Nữ vương các thánh tử đạo do các cha Dòng Đa Minh xây cất nhờ sự tham gia cộng tác đắc lực của giáo dân. Nhà thờ được khởi công xây dựng năm 1934 cùng với Giáo Hoàng Chủng Viện Thánh Alberto Cả và trường Sư phạm Saint Thomas – Nam Định. Việc xây dựng phải gián đoạn hai lần vì thiếu kinh phí. Vào dịp Lễ Sinh Nhật năm 1941 một Thánh Lễ Misa được cử hành long trọng lần đầu tiên tại đây. Nhà thờ dâng kính Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo là vì Thánh đường này được xây dựng trên bờ sông Vị Hoàng, nơi hàng vạn anh hùng ẩn danh đã hy sinh tính mạng vì Đức Tin và vì Giáo Hội Việt Nam. Nhà thờ có diện tích 5.800 m2 do các cha Đa Minh người Tây Ban Nha điều hành (tr 70). Nhà thờ có hình thánh giá dài 65m rộng 16m, hai tay thánh giá mỗi bên rộng thêm bốn mét, một mái vòm tròn (tum) đường kính 16m, cao 35m và tháp 37m với bộ chuông nhạc gồm 5 quả (trong thời loạn ly, những quả chuông này được đưa xuống gửi nơi giáo xứ Tứ Trùng gìn giữ - hiện vẫn đang ở đây).

  • Từ năm 1952-1954, cha G.B. Trần Mục Đích O.P., Dòng Đaminh là người Việt Nam về làm phó xứ. Sau biến cố lịch sử 1954, các linh mục ngoại quốc về nước, cha Đích và các cha người Việt di cư vào Nam. Từ 1956-1959 nhà thờ Khoái Đồng không có linh mục phụ trách.
  • Trong giai đoạn này, TGM Bùi Chu có thư mời nhờ linh mục Đinh Lưu Nhân thuộc nhà thờ Lớn Nam Định sang giúp mục vụ. Tuy nhiên, trong thời gian từ năm 1959 đến 1963, MTTQ Nam Định đưa linh mục Đa Minh Lâm Quang Học từ xứ Giáo Lạc - Nghĩa Hưng về cư ngụ tại nhà thờ Khoái Đồng cho đến khi qua đời (1963). Vì hoàn cảnh chiến tranh, nhà thờ Khoái Đồng không có linh mục về phục vụ nữa, giáo dân thì sơ tán, một số tài sản, bàn ghế, đồ lễ bị thất lạc.
  • Kể từ năm 1963, nhà nước hoàn toàn quản lý nhà thờ và sử dụng vào việc sản xuất. Bên trong nhà thờ đã từng là kho sợi của nhà máy dệt Nam Định, Rạp chiếu bóng, Câu lạc bộ bóng bàn Thiên Trường, Xí nghiệp may Sông Hồng… Bên hông nhà thờ đã từng là Hợp tác xã cơ khí Xuân Tiến, Hợp tác xã than tổ ong, sau trở thành Hợp tác xã hóa chất Toàn Thắng. Sân nhà thờ đã từng là quán bia, sân đỗ và sửa chữa ô tô, Hợp tác xã nấu thủy tinh… Dưới hầm gian cung thánh và chung quanh nhà thờ, có một số gia đình đến ở và xây dựng nhà cửa.
  • Từ năm 1992, một số giáo dân Giáo xứ Khoái Đồng cùng với cha cố Vinhsơn Bùi Công Tam, được sự ủy nhiệm của Tòa giám mục Bùi Chu, Đức cố Giám mục Giuse Maria Vũ Duy Nhất, Đức cố Giám mục Giuse Hoàng Văn Tiệm, nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan có thẩm quyền Nhà nước để "xin" lại nhà thờ. Trong số những người giáo dân đầu tiên được mục bổ nhiệm là đại diện Giáo dân Giáo xứ Khoái Đồng, phải kể đến công lao vất vả của các các ông: Vinh Sơn Phạm Thái Hòa, Gioan Lưu Mạnh Đạt, Vinhsơn Nguyễn Hữu Chương, Giuse Trần Viết Viện, Đa Minh Lưu Quang Duy, Đa Minh Trần Năng Lung, và Giuse Trần Văn Phương. Hiện nay (08-2022) ông Chánh Vinh Sơn Phạm Thái Hòa và ông Đa Minh Lưu Quang Duy vẫn còn đang tiếp tục phục vụ cho Giáo xứ Khoái Đồng.
  • Sau những năm tháng thưa gửi đơn từ, đi tới đi lui nhiều lần. Đến ngày 07/09/2008 Tòa giám mục Bùi Chu nhận được thông báo của UBND TP. Nam Định, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, với công văn số 465/VPCP-NC đề ngày 09/05/2008 về việc giao trả nhà thờ Khoái Đồng. 
  • Việc trao trả mặt bằng đợt I được thực hiện vào ngày 07/11/2008, bên trong nhà thờ được giải tỏa, trao trả lại mặt bằng bên trong nhà thờ. Đây là ngày đáng ghi nhớ, đầy hân hoan của biết bao trái tim hằng nóng lòng chờ đợi. Hôm đó cũng chính là ngày Lễ kính cách thánh Dòng Đa Minh, một sự trùng hợp ý nghĩa.
  • Kể từ hôm đó, những người nhiệt tâm với nhà thờ Khoái Đồng cùng với cha Phêrô Lương Đức Thiệu, chính xứ Phong Lộc, quản nhiệm xứ Khoái Đồng, cha Giuse Đinh Khắc Vịnh, OP, phụ tá - đặc trách nhà thờ Khoái Đồng, bắt tay dọn dẹp những đổ nát và bắt hầu công việc hồi sinh giáo xứ Khoái Đồng.
  • Việc trao trả đợt II được thực hiện vào tháng 06/2010, bên hông nhà thờ được giải tỏa. Tuy nhiên, khi ấy chính quyền thành phố Nam Định cũng quy hoạch một phần đất làm công viên cây xanh, phía bên phải vừa được giải tỏa, cạnh bờ hồ Vị Xuyên, và kế hoạch mở rộng phố Nhà Chung, đoạn bên hông trái nhà thờ. Điều này làm diện tích đất sử dụng của nhà thờ Khoái Đồng giảm đi một phần đáng kể.
  • Từ thời gian này, nhà thờ Khoái Đồng bắt đầu đi vào giai đoạn đại trùng tu, sửa chữa toàn bộ. Có thể nói, đây là một công việc khó khăn đòi hỏi những nhân sự vừa có Tâm vừa có Tầm. Tạ ơn Chúa, Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam đã bổ nhiệm cha An Phong Vũ Đức Trung, OP, làm chính xứ Khoái Đồng, nhờ cha Trung, nhiều kiến trúc sư từ mọi miền đất nước đã đồng lòng hỗ trợ trong việc phục dựng lại đường nét theo nguyên bản vừa cổ kính vừa tân kỳ của một ngôi thánh đường theo kiến trúc Romanesque. Có thể nói, nhà thờ Khoái Đồng đã mở lòng ra đón nhận biết bao tấm lòng yêu mến của nhiều người tâm huyết, nên ngôi thánh đường được phục dựng lại gần như nguyên bản.
  • Việc trao trả đợt III còn chờ trong tương lai (hiện tại vẫn còn 9 hộ dân cư ngụ trên lãnh thổ nhà thờ). Đây là công việc nan giải, cần nhiều sức lực và tài lực từ cả phía Giáo hội lẫn chính quyền thành phố Nam Định.

III. QUÝ CHA QUẢN NHIỆM VÀ CHÍNH XỨ TỪ NĂM 1954.

1. Cha Đaminh Đinh Cảnh Thụy, Cha Thuyên, cha Đích, cha Xuyên, cha Tômaso Đào Quang Trung, cha Đaminh Hoàng Thọ Khang phục vụ từ năm 1954 -1966. 
2. Cha Vinhsơn Bùi Công Tam, quản nhiệm từ năm 1967 – 2003.
3. Cha Giuse Phạm Xuân Thi, quản nhiệm từ 2003 – 2006.
4. Cha Phêrô Lương Đức Thiệu, quản nhiệm từ 2006 – 2011.
           4.1 Cha Giuse Đinh Khắc Vịnh, OP., đặc trách từ 07/11/2008-06/2009.
           4.2 Cha Giuse Nguyễn Cao Huấn, OP., phụ tá từ 2008.
           4.3 Cha Đa Minh Nguyễn Thế Hiệt, OP.
5. Cha An Phong Vũ Đức Trung, OP., chính xứ từ 01/08/2011
6. Cha Giuse Nguyễn Cao Huấn, OP., chính xứ từ 06/05/2015
7. Cha Giuse Đinh Tiến Hưng, OP., chính xứ từ 01/05/2022.
8. Cha Giuse Đinh Khắc Vịnh, OP., chính xứ từ 03/03/2024
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi