Giáo xứ Khoái Đồng Nam Địnhhttps://giaoxukhoaidong.com/uploads/logo.png
Thứ năm - 26/10/2023 04:50
Thánh ĐAMINH PHẠM TRỌNG KHẢM Quan án (1780 - 1859) Ngày tử đạo: 13 tháng 01
Thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm sinh năm 1780, tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Quần Cống, Giáo phận Bùi Chu), trong một gia đình đạo đức, khá giả gồm bảy anh chị em, con cụ Phạm Tri Khiêm, một bậc vị vọng danh giá trong làng.
Đến tuổi thành hôn, ngài vâng lời song thân kết hôn với cô Anê Phượng cùng làng, là thiếu nữ đạo hạnh, sống đời gia đình gương mẫu. .Quê hương Quần Cống được vinh dự có “Nhất gia tam Thánh“ (Một gia đình ba vị Thánh): quan án Phạm Trọng Khảm (1780-1859) – cựu chánh tổng Phạm Trọng Tả (1800-1859) và chánh tổng Phạm Trọng Thìn (1820-1859). Cụ án sát Khảm đã ngoài 80 tuổi, là người uy tín, đức độ, gương mẫu cho người đời. Cụ sống bác ái, nhân hậu, luôn luôn tìm cách chăm sóc mọi người dân trong làng, nhất là người nghèo. Cụ án sát còn là chánh trương trong xứ đạo, sống có trách nhiệm, gương mẫu, luôn tìm cách giúp đỡ các giáo dân trong xứ đạo về mọi mặt. Cụ đón tiếp, cung cấp chỗ ở cho các vị đạo trưởng, các thầy giảng trong những ngày khó khăn giữa cơn cấm cách bách hại đạo. Khi quân lính đến bao vây làng Quần Cống, cụ án sát Khảm bình tĩnh, tập họp dân chúng tại đình làng và lớn tiếng khuyên nhủ mọi người bền tâm vững chí với Chúa. Quan của triều đình ra lệnh đặt một Thánh Giá giữa sân đình, dọa nạt, bắt ép mọi người bước qua Thánh Giá. Khi thấy không một ai lỗi phạm, viên quan tức giận, thét lớn: “Ta sẽ mất hết chức tước bổng lộc, nếu không kết tội được án Khảm và bọn đồng phạm theo tả đạo”. Năm 1858, tình hình đất nước lâm nguy, liên quân hai nước Pháp và Tây Ban Nha đe dọa tấn công hải cảng Đà Nẵng. Triều đình vua Tự Đức phẫn nộ, hạ lệnh thi hành các chỉ dụ cấm Đạo cách khốc liệt. Cụ án sát Khảm bị bắt giải về công đường Nam Định. Cụ bị nhốt riêng để khỏi gây ảnh hưởng trên các giáo hữu khác. Vị chứng nhân đức tin chịu xử giảo ngày 13-01-1859 tại pháp trường Bảy Mẫu. Cụ án sát Phạm Trọng Khảm được nâng lên hàng chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.