Thân phụ là ông Nguyễn Văn Lương, một võ quan Công giáo phò Chúa Nguyễn, đã tử trận trong cuộc chiến với anh em nhà Tây Sơn. Vì mồ côi cha từ nhỏ, cậu Triệu sống với mẹ ở Thợ Đúc và gia nhập quân đội lúc 15 tuổi. Năm 1786, quân đội Tây Sơn tấn công tái chiếm kinh thành Phú Xuân. Cậu Triệu theo đội quân Chúa Trịnh Khải rút về Thăng Long.
Ba mươi tuổi đời, mười lăm năm binh nghiệp với biết bao thăng trầm, cậu Triệu giã từ quân ngũ xin dâng mình trong đời sống tu trì. Đức cha Emmanuel Obelar - Khâm nhận cậu vào Chủng viện Trung Linh. Sau sáu năm tu học, thầy Triệu được Đức cha Feliciano Alonso - Phê truyền chức linh mục.
Đời vua Cảnh Thịnh (1792-1802), tình hình chính trị phức tạp. Quân đội Chúa Nguyễn hoành hành ở Gia Định, thường mang quân tấn công Huế.
Giữa năm 1797, vua Cảnh Thịnh bắt được lá thư của Chúa Nguyễn Ánh gởi Đức cha Labartette. Nhà vua nghi ngờ người có đạo tiếp tay cho giặc.
Ngày 07/8/1798, nhà vua ban hành chiếu chỉ lùng bắt, truy nã các thừa sai và đạo trưởng. Khi lùng xét Nhà phước Mến Thánh Giá Thợ Đúc, họ bắt được cha Triệu. Khi bị quân lính giải đi, nhìn thấy mẹ già khóc thương, cha dừng lại từ giã: “Thiên Chúa đã cho con vinh dự làm chứng cho Ngài, xin mẹ đừng khóc nữa. Mẹ hãy vui lòng vâng theo thánh ý Chúa”.
Sáng 17/9/1798, quan tra hỏi cha Triệu lần cuối: “Thầy có muốn bỏ nghề đạo trưởng và trở về quê làm ăn sinh sống không? Nếu chấp thuận, ta sẽ xin nhà vua ân xá”. Cha Triệu trả lời: “Thưa không. Tôi là đạo trưởng. Tôi thà chết chớ không bỏ việc giảng đạo”.
Mười giờ sáng, cha Triệu bị điệu ra pháp trường Bãi Dâu. Trời đúng ngọ, cha Triệu quỳ gối cho lính thi hành án xử trảm. Giáo hữu rước thi hài vị chứng nhân đức tin về an táng trong nhà thờ họ Dương Sơn.
Linh mục Emmanuel Nguyễn Văn Triệu được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
Ngày 21/7/1996, Đức Tổng Giám mục Huế, Stêphanô Nguyễn Như Thể, cho đưa hài cốt thánh nhân đến giáo xứ Thợ Đúc (quê mẹ, nơi ngài chịu phép rửa tội). Phần xương đầu của Ngài vẫn được lưu giữ tại nhà thờ giáo xứ Dương Sơn, Tổng Giáo phận Huế.