Người Do Thái ngày xưa cũng như người Việt Nam hôm nay vẫn quan niệm: “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Vì thế, ai cũng tìm kiếm cho mình vinh dự lợi lộc trước mặt người khác. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy điều đó. Chúa Giêsu được mời tới dự bữa tiệc tại nhà một người thủ lãnh nhóm biệt phái. Ngài thấy khách mời cứ tranh nhau tìm lên bàn danh dự để ngồi nên đã nhân cơ hội này nói với họ về tinh thần khiêm hạ: Khi được mời đi dự tiệc cưới, thì đừng tìm ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời… Chủ nhà sẽ đến nói với anh: Xin ông nhường chỗ cho vị này, lúc đó anh sẽ phải xấu hổ.
Kể câu chuyện này, Chúa Giêsu không dừng lại ở việc dạy người ta khôn khéo trong cách xã giao lịch sự tối thiểu hay nghệ thuật sống, nhưng trên hết và trước hết, Ngài chỉ cho thấy tâm tình và thái độ sống của mỗi người cần có: đó là phải xuất phát từ bên trong tâm hồn. Trước hết, cần biết rõ về mình, vì thực tế có những người không biết về bản than. Vì thế, họ có thể rơi vào tình trạng quá tự ti mặc cảm, hoặc thừa tự tin mà thiếu tự trọng, ảo tưởng về bản thân. Biết rõ về mình tức là biết mình là ai, mình có vị trí nào trong tương quan với người khác, mình có nhiệm vụ chức bậc nào trong cộng đoàn để biết cư xử cho đúng mực.
Điểm quan trọng hơn phát xuất từ trong tâm hồn, đó là thái độ khiêm tốn trong cách ứng xử. Khiêm tốn không làm giảm phẩm giá của con người, cũng không làm mất sự kính trọng nơi người khác. Khiêm tốn là dám nhận mình nhỏ bé hèn kém trước mặt mọi người, thể hiện qua cách sống và cư xử.
Câu kết của dụ ngôn, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Đây là cách nói cho thấy chính Thiên Chúa sẽ hạ bệ người kiêu căng và tôn vinh những người khiêm nhường. Thiên Chúa luôn tỏ cho thấy, Ngài yêu thương đặc biệt đối với những kẻ khiêm nhường. Người khiêm nhường trước mặt Chúa là người nhận biết mình là thân phận thụ tạo, hoàn toàn để mình lệ thuộc vào Thiên Chúa. Khiêm nhường trước mặt Chúa là dám để cho Chúa hướng dẫn và điều khiển cuộc đời của mình, như trẻ thơ hoàn toàn cậy dựa vào cha mẹ, để cha mẹ chăm sóc, ví dụ : Đức Maria. Trái lại, kẻ kiêu căng là người quay lưng lại với Thiên Chúa, từ chối tình yêu của Ngài, đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời. Kẻ kiêu căng là muốn tự mình quyết định tương lai của mình mà không cần Thiên Chúa. Ví dụ: Adam Eva đã mắc sai lầm này.
Điểm tiếp theo Chúa dạy qua câu chuyện hôm nay là: Khi nào đãi khách… đừng chỉ mời những người giàu có quyền thế… nhưng hãy mời những người nghèo khó không có gì để đáp lễ. Sự việc này cũng giống trong xã hội hôm nay. Mỗi khi đãi nhau bữa tiệc, người ta thích mời những người vị vọng, không hẳn vì quý mến nhau, nhưng muốn dùng những người đó để đánh bóng, trang điểm cho mình. Đàng khác, những bữa tiệc đãi nhau ngày nay dường như đã mất đi cái tình, mà chỉ còn là việc có qua có lại, hoặc lợi dụng nhau mà thôi. Vì thế, có những bữa tiệc đãi nhau một vài người cũng có thể lên tới vài chục triệu.
Ở đây, Chúa Giêsu muốn nhắm đến một sự quảng đại không tính toán mỗi khi mình làm một việc gì đó cho anh chị em. Dù là bữa tiệc hay bất cứ việc tốt đẹp nào ta là làm cho anh chị em, thì phải làm với một tâm hồn trong sáng, không vụ lợi và cũng không chờ đợi sự đáp đền. Một khi ta dám làm tất cả mọi việc cách quảng đại cho anh chị em mà không mong chờ một sự kể lể công trạng nào ở đời này, Thiên Chúa sẽ thay họ đáp lễ lại cho chúng ta trong ngày kẻ chết sống lại. Tức là, Thiên Chúa sẽ trả lại cho chúng ta vinh quang và danh dự vào ngày sau hết, ngày tận thế, ở đời sau. Đó chính là việc bác ái mà chúng ta cần thực hiện.
Sách Huấn Ca trong bài đọc một đã đúc kết những lời dạy bảo khôn ngoan của tiền nhân. Tác giả dạy chúng ta: Hãy hoàn thành công việc cách nhiễn nhặn thì sẽ được yêu mến. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Quyền năng Thiên Chúa thật lớn lao, Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.
Từ xưa đến nay, ai cũng yêu mến và kính trọng những người dù danh giá địa vị cao sang nhưng biết sống khiêm nhường hạ mình. Trong đời sống cộng đoàn, mọi người yêu mến kính nể những người dàm sống quảng đại, hết mình cống hiến và phục vụ mà không đòi hỏi bất cứ sự đáp đền nào. Tuy nhiên, chọn sống khiêm nhường như thế là điều không dễ. Người Việt Nam thường nói: “Con gà tức nhau tiếng gáy”, “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, không ai muốn mình “áo gấm đi đêm”, vì thế dẫn đến tình trạng sống ganh đua kèn cựa, tìm danh, tìm lợi, tìm chỗ hơn chỗ kém. Có những người giúp vào nhà thờ một chút thì đòi phải có quyền lợi này, hưởng quyền lợi kia, phải ưu tiên ngồi chỗ này, ưu tiên nằm chỗ nọ. Tất cả những đòi hỏi đó không khác gì thói quen của những người biệt phái ngày xưa đã bị Chúa lên án.
Trước mặt Thiên Chúa, mọi người đều bình đẳng, đều được Chúa yêu thương và tôn trọng. Vì thế, chúng ta được mời gọi sống vui tươi, tôn trọng và bình đẳng với nhau khi sống và cả khi chết.
Đừng tranh giành hơn kém chỗ nhất chỗ nhì, cũng đừng chỉ đòi hỏi người khác phải tôn trọng hoặc phải biết ơn mình, nhưng mỗi người hết lòng quảng đại để yêu thương và phục vụ anh chị em một cách vui vẻ, không tính toán. Hãy biết tôn trọng người khác và dám nhường sự ưu tiên cho người khác. Dám sống và hành động như thế, Thiên Chúa sẽ là Đấng nâng chúng ta lên và trả lại cho chúng ta phần thưởng ngay ở đời này và nhất là vinh quang thiên đàng đời sau. Amen.